Vnexpress 2011
http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/07/10-ly-do-khien-ban-khong-giau/
Bạn tự nhủ đó là bởi mình không kiếm được nhiều tiền, nhưng thực tế, với hầu hết mọi người, việc có trở thành triệu phú hay không liên quan rất ít đến số tiền bạn làm ra. Mà đó là cách bạn đối xử với tiền trong cuộc sống.
http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/07/10-ly-do-khien-ban-khong-giau/
Thứ bảy, 23/7/2011, 07:04 GMT+7
10 lý do khiến bạn không giàu
Ảnh: blogymate.com. |
Bạn tự nhủ đó là bởi mình không kiếm được nhiều tiền, nhưng thực tế, với hầu hết mọi người, việc có trở thành triệu phú hay không liên quan rất ít đến số tiền bạn làm ra. Mà đó là cách bạn đối xử với tiền trong cuộc sống.
> 10 cách sử dụng đồng tiền khôn ngoan
Dưới đây là 10 lý do thường gặp khiến bạn không trở thành triệu phú, được các chuyên gia tài chính đưa ra trênthestreet:
1. Bạn để ý hàng xóm nghĩ gì
Nếu bạn chạy đua với họ và số của cải mà họ có, bạn đang lãng phí số tiền mình vất vả kiếm được vào những món đồ chơi để làm "lóa mắt" họ thay vì tích lũy của cải cho mình.
2. Bạn không kiên nhẫn
Trước khi có thẻ tín dụng, thật khó để mà tiêu hết số tiền bạn làm ra. Nhưng ngày nay thì khác. Nếu bạn đang nợ tín dụng vì bạn không thể chờ đến khi đủ tiền mặt mới mua một món đồ, bạn đang làm giàu cho người khác trong khi lại đẩy mình vào nợ nần.
3. Bạn có những thói quen xấu
Dù là hút thuốc, uống rượu, đánh bạc hay một số thói quen khác, thói quen xấu luôn khiến bạn mất nhiều tiền mà đáng lý có thể tích thành tài sản cho bạn. Hầu hết mọi người không nhận ra rằng chi phí của thói quen xấu đó lớn hơn nhiều so với chi phí thấy được. Chẳng hạn, nếu hút thuốc, ngoài việc mất tiền mua bao thuốc, bạn còn trả giá cho sức khỏe của mình dưới nhiều hình thức, như hóa đơn viện phí.
4. Bạn không có mục đích
Thật khó để tích lũy tài sản nếu bạn không bỏ ra thời gian để biết mình muốn gì. Nếu bạn không đặt mục tiêu giàu có, bạn khó có thể đạt được điều đó. Bạn cần nhiều điều hơn là một câu nói "Tôi muốn trở thành triệu phú". Bạn cần bỏ ra thời gian để tiết kiệm và đầu tư cho các mục tiêu theo năm, đưa ra kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó.
5. Bạn không chuẩn bị
Điều xấu có thể xảy ra với mọi người vào lúc này hay lúc khác, và nếu bạn không chuẩn bị cho một chuyện như vậy thông qua bảo hiểm, tất cả tài sản bạn gây dựng có thể ra đi trong nháy mắt.
6. Bạn cố gắng giàu thật nhanh
Với hầu hết chúng ta, sự giàu có không đến ngay lập tức. Bạn có thể tưởng rằng người trúng số độc đắc chiếm tỷ lệ khá lớn, nhưng sự thật là khả năng bạn bị sét đánh còn cao hơn nhiều so với cơ hội trúng số độc đắc. Tham vọng làm giàu thật nhanh có thể lan sang cả cách mà bạn đầu tư, và nhận được kết quả tương tự.
7. Bạn lệ thuộc vào người khác để quản lý tiền của mình
Bạn tin rằng người khác có kiến thức về vấn đề tiền nong, và bạn lệ thuộc hoàn toàn vào khả năng đánh giá của họ xem bạn nên đầu tư tiền vào đâu. Không may, hầu hết mọi người đều muốn tự mình kiếm tiền, và đây là mục tiêu đầu tiên khi họ chỉ cho bạn cách đầu tư tiền của bạn. Lắng nghe lời khuyên của người khác để nhận được ý tưởng mới, nhưng cuối cùng, bạn phải hiểu biết đủ để tự mình ra quyết định.
8. Đầu tư vào thứ mà bạn không am hiểu
Bạn nghe anh A nói rằng đã làm ra rất nhiều tiền nhờ làm việc nọ, việc kia, và bạn muốn nhảy vào lĩnh vực của anh ấy. Thực sự nếu anh A đã làm ra tiền, nghĩa là anh ấy rất am hiểu công việc mà anh ấy đầu tư. Còn tiêu tiền theo kiểu "té nước theo mưa" mà không hiểu gì sẽ khiến bạn không thể trở nên giàu có.
9. Bạn sợ rủi ro tài chính
Lo sợ các nguy cơ khiến bạn cất tất cả tiền vào ngân hàng. Thực sự đó là cách bạn đang vứt tiền đi, nhất là khi lạm phát lớn, bởi bạn đã từ chối cơ hội quay vòng tiền nhanh hơn.
10. Bạn phớt lờ vấn đề tài chính của mình
Bạn ứng xử như thể nếu bạn cố gắng, tiền bạc sẽ tự bay đến. Nếu bạn đang có một khoản nợ, bằng cách nào đó nó sẽ được xử lý trong tương lai. Không may, để giàu có, bạn cần có kế hoạch. Giàu có không xuất hiện thần kỳ với đa số mọi người. Thực tế là, không chỉ một thói quen duy nhất trên đây cản trở bạn thành triệu phú, mà là một tổ hợp vài thói quen trong đó. Hãy nhìn kỹ vào danh sách này, và nhận ra vấn đề của mình. Nếu bạn muốn trở thành triệu phủ, nó sẽ ở trong tầm tay bạn, nhưng bạn phải đối mặt với những vấn đề hiện tại đang cản trở bạn tạo ra tài sản.
Thuận An
Chủ nhật, 17/7/2011, 09:09 GMT+7
Những điều nhỏ có thể hủy hại doanh nghiệp của bạn
Có thể tôi là một trong số những người tiêu dùng khó tính. Và bạn là chủ doanh nghiệp, đã bao giờ thử đặt mình vào vị trí của một người khách hàng khó tính để kiểm tra xem sản phẩm hay dịch vụ của bạn đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm yêu cầu của họ chưa.
Tôi là một người tiêu dùng rất ủng hộ Chương trình người Việt dùng hàng Việt. Khi mua sắm, tôi luôn ưu tiên chọn các hàng sản xuất trong nước. Phải nói là nhiều mặt hàng do ta sản xuất mẫu mã đẹp không kém hàng ngoại, chất lượng không quá tệ, giá cả hợp với túi tiền. Tuy nhiên, có những điều tôi muốn được chia sẻ góp ý, mong các doanh nghiệp chú tâm hơn để hoàn thiện hơn sản phẩm dịch vụ của mình.
Tôi là một bà mẹ 2 con, một cháu 2 tuổi, một cháu 4 tuổi. Giống như nhiều bà mẹ, quần áo, giày dép cho các bé là những mặt hàng được thay đổi liên tục. Thị trường hàng nội địa hiện có rất nhiều lựa chọn, hàng cotton 100%, mát, nhẹ, màu sắc. Tuy nhiên, mỗi lần mua một lốc 10 chiếc áo về, tôi lại phải dùng kéo cắt toàn bộ mác hàng dính ở sau cổ áo của bé. Bởi vì mác áo rất cứng, nhà sản xuất lại gắn ngay trong cổ áo, các bé mặc luôn cảm thấy khó chịu. Khi cắt hết mác rồi, lần sau muốn mua lại thương hiệu đó có thể tôi đã không nhớ được. Như vậy chỉ vì cái mác áo mà bạn đã có thể mất 1 khách hàng hoặc hàng triệu khách hàng là những bà mẹ có con nhỏ như tôi rồi, đúng không?
Quần của các bé cũng vậy. Con tôi trộm vía 2 bé đều bụ bẫm và điều khó khăn nhất đối với tôi khi đi chọn quần cho 2 bé là tìm được chiếc quần có cái dây thun mềm mại, độ co giãn tốt. Khi không tìm được tôi lại ngậm ngùi mua về và nhờ bác thợ sửa quần áo thay toàn bộ dây thun. Có một thương hiệu trong nước tôi mới phát hiện, và rất thích vì dây thun mềm mại, màu sắc, hình ảnh dễ thương. Bé lớn nhà tôi khi mới mua về cũng rất khoái. Thế nhưng chỉ 3 ngày đi học, cháu nhất định không chịu mặc, tôi kiểm tra lại thì phát hiện cái dây thun to bản bị xoắn trước, xoắn sau làm tức bụng cháu. Bạn thấy đấy, chỉ vì cái thun quần chất lượng kém hoặc là cách xử lý khi may nó không tốt, tôi sẽ khó có thể tìm lại cửa hàng của công ty bạn lần nữa. Tôi thấy nhiều mẹ trong cơ quan cũng bức xúc giống tôi và họ đã chọn hàng Thái Lan nhập khẩu dù đắt hơn.
Giày dép của bé cũng là vấn đề. Tôi không hiểu các nhà sản xuất giầy dép trong nước có thắc mắc tại sao ngày càng nhiều cửa hàng giày cho bé nhập khẩu từ Nhật, Malaysia, Thái Lan xuất hiện ở TP HCM, giá mấy trăm nghìn một đôi. Giầy trong nước thực ra mẫu mã cũng rất đẹp, giá vừa phải nhưng điểm tệ nhất là quai giầy rất cứng. Lần nào mua về tôi cũng "đánh vật" với việc thuyết phục con đi, mỗi lần đi giầy là các bé khóc rất tội. Tôi sợ mua giầy dép trẻ con của Trung Quốc vì lo chất độc hại trong nhựa, vậy là đành bấm bụng mua hàng ngoại đắt tiền. Vậy là chỉ vì cái quai giầy, tôi đã đành ngậm ngùi từ chối hàng trong nước rồi.
Vào siêu thị, chúng ta sẽ thấy rõ sự đa dạng của các nhãn hãng dầu ăn trong nước. Tôi hay dùng một trong số nhãn hàng đó vì nhà sản xuất này đưa ra nhiều loại sản phẩm khác nhau. Nhưng lần mở đầu tiên để sử dụng, tôi luôn làm đổ ra ngoài vì thiết kế nút giật bằng nhựa quá tệ. Nếu giật nhẹ thì không được, mà giật mạnh thì bị đứt quai nhựa, hoặc phần lớn là dầu bắn tràn ra ngoài. Ông xã tôi nhiều lần mở giúp cũng bị tương tự. Bà chị tôi cũng đôi lần than phiền vì cái nút mở kiểu này. Tôi thì đang nghĩ có lẽ mình nên tìm một nhãn hàng khác có cách mở thuận tiện hơn.
Nhóm bạn chúng tôi hay ăn bánh cuốn ở một cửa hàng có tiếng ở trung tâm Sài Gòn. Gần đây họ có một số nhân viên phục vụ rất khó chịu, chảnh chọe, rất khó chịu. Khách hàng đông, hỏi chỗ ngồi, người phục vụ hất hàm chỉ chỗ. Khách gọi thêm thì nhân viên mặt lạnh te không trả lời, đặt món ăn lên bàn khách thì như ném vào mặt khách. Các bạn của tôi không muốn quay lại lần nữa chỉ vì thái độ phục vụ của những nhân viên kiểu này...
Còn nhiều điều nhỏ nhặt nữa mà tôi không đủ thời gian để liệt kê. Trong bối cảnh làm ăn ngày càng trở nên khó khăn, tôi viết đôi dòng chia sẻ mong các chủ doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn nữa đến những chi tiết mà tôi nghĩ rằng nó cũng rất quan trọng trên con đường chinh phục khách hàng của các bạn. Mong doanh nghiệp Việt sẽ lớn hơn, mạnh hơn và ngày càng được khách hàng Việt tin dùng sản phẩm của các bạn.
Thúy An